Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã bắt giữ hơn 400 người được cho là có hành vi kích động công nhân gây rối, đập phá nhiều công ty trên địa bàn. Các đối tượng trên sẽ bị xử phạt theo luật định và mức cao nhất có thể là chung thân.
>> Bộ Công an đề nghị khởi tố vụ đập phá tài sản ở Bình Dương
>> Công nhân Bình Dương thất nghiệp sau vụ đập phá nhà máyHơn 400 người kích động gây rối bị bắt trong biểu tình tại Bình Dương

Các đối tượng bị cảnh sát bắt giữ đưa lên xe. (Ảnh: NLĐ)
Liên quan đến vụ kích động đập phá trong biểu tình ở Bình Dương, Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đến chiều 14/5, công an tỉnh đã bắt giữ hơn 400 người được cho là có hành vi kích động công nhân gây rối, đập phá nhiều công ty trên địa bàn.
Trước đó hàng nghìn công nhân đã diễu hành trên đại lộ Bình Dương kéo vào bên trong Khu công nghiệp Việt Hương. KCN Việt Hương là KCN có hàng chục dự án vốn đầu tư Trung Quốc và Đài Loan.

Cửa kính của một công ty bị phá nát. (Ảnh: Vnexpress)
Tuy nhiên, từ cuộc tuần hành này, một số đối tượng kích động chưa rõ động cơ đã cầm đầu việc đập phá, đốt xe và các phân xưởng nhà máy, gây mất trật tự an ninh. Thậm chí nhiều kẻ còn lợi dụng tình hình rối loạn để cướp tài sản, hành hung các bảo vệ và chuyên gia.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, công nhân tập trung tại cổng khu công nghiệp VSIP đã nhận cờ, áo đỏ sao vàng của người phát miễn phí. Trong quá trình công nhân diễu hành, một số kẻ đã sử dụng bộ đàm để liên lạc với nhau.
Cũng theo báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Bình Dương, hàng trăm công ty bị đột nhập và phá hoại tài sản, đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó có 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng, dẫn đến nguy cơ hàng trăm công nhân mất việc làm.
Hiện cơ quan công an đang điều tra và làm rõ những hành vi gây mất trật tự trên.
Khung hình phạt cao nhất là chung thân
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật Đức Chánh được biết: Hành vi này có dấu hiệu của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra sẽ xác định cụ thể hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng của các cá nhân cụ thể, cũng như xác định giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi này gây ra để truy cứu hình sự theo khung hình phạt tương ứng.

Tội hủy hoại tài sản có thể bị truy cứu với khung hình phạt cao nhất là chung thân. (Ảnh: Vnexpress)
Khả năng những đối tượng này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 143 BLHS với khung hình phạt cao nhất là chung thân, vì số tài sản bị thiệt hại cao hơn nhiều lần so với định lượng 500 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 143 BLHS.
Mặc khác, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001 thì với số tài sản bị thiệt hại hàng tỉ đồng cùng với hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… được xem là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo điểm b khoản 4 Điều 143 BLHS.
Còn hành vi một số đối tượng quá khích hành hung các bảo vệ, chuyên gia và người nước ngoài đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Tùy vào tỉ lệ thương tật và việc sử dụng hung khí để xác định việc hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 BLHS hay không. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị xử lý theo Điều 104 BLHS. Thậm chí, nếu xảy ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu về tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Hành vi đập phá các tài sản ở các nơi có đông người… có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS. (Ảnh: Infonet)
Ngoài ra, đối với hành vi tập trung đông người ở nơi công cộng, gây náo động, làm mất trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản ở các nơi có đông người… có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.
Đối với hàng vi lợi dụng tình hình hỗn loạn để “hôi của”, ăn cắp hàng hóa, tài sản của doanh nghiệp thì tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 BLHS, hoặc tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS.
Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý tài sản có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện ngăn cản vì lý do nào đó, như nhìn thấy việc bị chiếm đoạt tài sản nhưng sợ không dám ngăn cản… thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý tài sản không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.
Nếu những hành vi của người “hôi của” chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Mức xử phạt hành chính là bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
Nếu hành vi của những người này là đã có âm mưu từ trước hoặc thực hiện kế hoạch của các đối tượng, tổ chức phản động để kích động, gây thù hằn dân tộc, phá hoại chính sách kinh tế của Việt Nam, chính sách đại đoàn kết dân tộc… thì cần phải xử lý hành vi này theo nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia theo Chương XI BLHS. Điều này mới tương xứng với hành vi và hậu quả gây ra nêu trên.
Theo Duongbo